HƯỚNG DẪN MUA XE TRẢ GÓP
Trước tình trạng giá xe ôtô ngày càng đắt đỏ, số tiền bỏ ra để mua xe vượt quá khả năng của nhiều cá nhân. Vì vậy có không ít người đã chọn hình thức mua xe ôtô trả góp lãi suất thấp tại các ngân hàng để vừa giải quyết bài toán tài chính, vừa sở hữu chiếc xe ô tô như ý muốn.
1. Vay mua xe ôtô trả góp là gì?
Vay mua xe ôtô trả góp là hình thức vay vốn ngân hàng để mua xe. Khách hàng cần trả trước một khoản tiền nhất định, phần còn thiếu sẽ vay ngân hàng, hàng tháng khách hàng sẽ trả góp cho ngân hàng theo mức lãi suất cụ thể.
Như vậy có thể hiểu, nếu bạn không có đủ khả năng thanh toán 01 lần để mua xe ô tô, bạn có thể trả trước 20 – 30% giá trị xe cho đại lý, số tiền còn lại sẽ được ngân hàng hỗ trợ bạn trả dần với lãi suất khá thấp cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn theo từng thời kỳ.
Thông thường, khách hàng có thể tự làm hồ sơ vay ở ngân hàng rồi đến đại lý mua xe ô tô hoặc mua trả góp với sự giới thiệu từ đại lý. Khi đó, nhân viên bán hàng giữ vị trí trung gian giữa ngân hàng và người mua.
Lợi ích vay tiền mua xe ô tô trả góp:
- Cơ hội sở hữu xe ô tô yêu thích khi ngân sách còn khá hạn hẹp và chưa đủ tiền mặt để chi trả ngay.
- Dùng chính xe ô tô dự định mua làm tài sản đảm bảo với ngân hàng, mà không cần phải thế chấp tài sản khác.
- Vì cạnh tranh nên nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất ưu đãi, mức cho vay cao và thời gian trả lãi dài hạn, hỗ trợ khách hàng tối đa.
2. Mua xe ôtô trả góp lãi suất thấp cần lưu ý gì?
Mức lãi suất và cách tính
Sản phẩm cho vay mua xe ô tô trả góp được hầu hết các ngân hàng triển khai và mở rộng trên toàn quốc. Lãi suất vay tại các ngân hàng có sự khác nhau, ưu đãi từ 7.50% – 9%/năm tùy theo loại hồ sơ vay, niên hạn xe, loại xe vay, hồ sơ chứng minh thu nhập, giá trị xe thế chấp… Sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất thả nổi của các ngân hàng thường là 11 – 13%/năm. Khách hàng nên tính toán kỹ lưỡng để chọn ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho gói vay.
Thông thường, mức lãi suất cho vay được các ngân hàng tính theo 02 cách: dựa trên dư nợ gốc (tiền lãi dựa trên số tiền vay ban đầu, tính đều hàng tháng trong suốt quá trình vay) và dư nợ giảm dần (mức lãi giảm dần theo thời gian tương ứng với số tiền gốc giảm dần). Hiện nay cách tính lãi dựa theo dư nợ giảm dần đang được các ngân hàng áp dụng phổ biến.
Quy trình vay mua xe ô tô trả góp, giải ngân theo giấy hẹn
Bước 1: Khách hàng chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn của nhân viên tín dụng.
Hồ sơ thường bao gồm: hộ khẩu, CMND, chứng minh thu nhập, đơn xin vay mua xe trả góp và phương án trả lãi (theo mẫu của ngân hàng).
Bước 2: Nhân viên ngân hàng tiếp nhận hồ sơ và thẩm định.
Bước 3: Nếu hồ sơ được ngân hàng duyệt, khách hàng ký hợp đồng vay tiền mua xe ô tô tại ngân hàng.
Bước 4: Đại lý bán xe ô tô xuất hóa đơn và gửi hồ sơ cho khách hàng đi làm thủ tục nộp thuế trước bạ, bấm biển số, đăng kiểm, khách hàng nộp giấy hẹn lấy giấy đăng ký xe cho đại lý.
Bước 5: Sau khi hoàn thành thủ tục cần thiết, ngân hàng cấp cho khách hàng bản sao giấy đăng ký xe và chuyển tiền cho đại lý bán xe ô tô và sẽ lấy bản gốc giấy đăng ký xe từ phòng CSGT.
Hồ sơ vay mua xe ô tô trả góp
Cá nhân muốn vay ngân hàng mua ô tô trả góp, cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:
- Hồ sơ cá nhân/nhân thân: CMND/Hộ chiếu, Hộ khẩu, Giấy chứng nhận độc thân hoặc đăng ký kết hôn (nếu có), CMND của vợ/chồng.
- Hồ sơ chứng minh thu nhập: Hợp đồng lao động, Bảng lương sao kê 3 tháng hoặc 6 tháng gần nhất…
- Hồ sơ mục đích vay vốn: Hợp đồng mua bán xe, Giấy tờ thu tiền cọc của đại lý xe…
- 3. Những thắc mắc thường gặp khi mua xe ôtô trả góp lãi suất thấp
Thu nhập bao nhiêu thì có thể mua ô tô trả góp?
Điều kiện cho vay tại nhiều ngân hàng: khách hàng có công việc và thu nhập ổn định hàng tháng từ 10 triệu đồng. Mức thu nhập này đảm bảo khả năng khách hàng có thể trả nợ theo thời hạn đã ký kết trong hợp đồng.
Mức cho vay tối đa của các ngân hàng là bao nhiêu?
Thông thường, các ngân hàng sẽ cho khách hàng vay tối đa khoảng 70%-80% giá trị chiếc xe.
Trả nợ vay trước hạn, có bị phạt không?
Trên thực tế, các ngân hàng đều cho phép khách hàng thanh toán trước hẹn, với mức phí phạt thông thường là 1 – 3% số tiền trả trước hạn. Ví dụ, khách hàng trả trước 200 triệu, mức phí phạt chỉ 2 – 6 triệu. Tuy nhiên mức phạt này chỉ áp dụng trong thời gian năm 1 – năm 3, sau đó trả trước thường không chịu mức phạt hoặc theo quy định cụ thể của từng ngân hàng.